''''Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn''''

Theo JPMorgan Chase, sự giảm điểm vừa qua của Vn-Index đã khiến chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn

 

Một báo cáo mới công bố của ngân hàng JPMorgan Chase đưa ra những cái nhìn đầy tích cực về kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đề ngày 24/8, báo cáo mang tên Vietnam Strategy Update (tạm dịch: “Cập nhật chiến lược đầu tư vào Việt Nam”) của tác giả Sriyan Pietersz thuộc bộ phận nghiên cứu thị trường chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương của JPMorgan Chase có đề cập tới vụ bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng Cổ phần Thương mại Á Châu (ACB), và ảnh hưởng của vụ việc này tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo JPMorgan Chase, sự giảm điểm vừa qua của Vn-Index đã khiến chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

“Nhìn chung, chúng tôi không xem những sự việc xảy ra vừa rồi là một mối lo lớn… Chỉ số Vn-Index đang tạo ra một điểm gia nhập thị trường hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài còn đứng ngoài thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp thị trường đã tăng điểm 12% từ đầu năm”, báo cáo viết.

JPMorgan Chase cũng cho biết, những cổ phiếu mà họ khuyến nghị các nhà đầu tư mua vào là cổ phiếu thuộc các ngành tiêu dùng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng và một số doanh nghiệp xuất khẩu có chọn lựa. Trong khi đó, những lĩnh vực cần tránh, theo báo cáo này, là cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.

Báo cáo nhận định, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang được cải thiện. “Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã hưởng lợi từ nhiều chuyển biến vĩ mô, nhất là sự đi xuống của lạm phát. Lạm phát tháng 7 chỉ là 5,4%, từ mức đỉnh 23% vào tháng 8 năm ngoái. Thâm hụt thương mại đã chuyển sang thặng dư, với mức thặng dư 100 triệu USD trong tháng 7. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Việt Nam chỉ ở mức 58 triệu USD, so với mức 5,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước”, báo cáo dẫn số liệu.

Cũng theo JPMorgan Chase, sự xuống thang của lạm phát tại Việt Nam sẽ có hai tác động tích cực tới nền kinh tế. Thứ nhất, điều này sẽ dẫn tới chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, hỗ trợ tăng trưởng. “Do lạm phát giảm nhanh, lãi suất chính sách thực tế đã lên mức cao nhất trong nhiều năm, bất chấp lãi suất giảm 400-500 điểm phần trăm kể từ đầu năm. Từ mức âm 7,3% vào tháng 8 năm ngoái, lãi suất repo thực tế hiện đã đạt dương 4,4%, mặc dù lãi suất repo hiện là 10% so với mức 14% vào tháng 8 năm ngoái”, báo cáo có đoạn viết.

Thứ hai, theo JPMorgan Chase, lạm phát giảm sẽ giúp môi trường vĩ mô và cán cân thanh toán được cải thiện hơn nữa. “Các áp lực về cán cân thanh toán ở Việt Nam thường xuất phát từ các dòng vốn ngắn hạn vốn nhạy cảm với lạm phát do người dân di chuyển vốn và tiền tiết kiệm giữa các kênh đầu tư là USD, VND và vàng. Nếu lạm phát giữ ở mức thấp, vốn sẽ (tiếp tục) chảy vào các tài sản là VND. Theo thông tin chính thức, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lần đầu tiên kể từ năm 2008 và chúng tôi kỳ vọng dự trữ này sẽ còn tăng thêm nữa”, báo cáo nhận xét.

Bản báo cáo của JPMorgan Chase còn đặt kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo trong hoạt động tái cơ cấu ngành ngân hàng của Việt Nam. “Để khu vực doanh nghiệp được hưởng lợi từ những chuyển biến vĩ mô tích cực, thì theo chúng tôi, cần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu và hợp nhất trong hệ thống ngân hàng”, báo cáo viết.

(VnEconomy)