Xi măng khủng hoảng thừa: Sao không "kích" xây dựng nông thôn?
Trả lời kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ này sớm hoàn thành đề án sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Ưu đãi sử dụng xi măng để làm đường
Theo văn bản của VPCP phát hành ngày 4-7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu đề án của Bộ GT-VT cần nêu rõ tiêu chí loại đường giao thông sử dụng bê tông xi măng, phương án huy động vốn và các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong tháng 8. Ngoài ra các chính sách ưu đãi và dự án thí điểm cụ thể việc sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng phải được đề xuất.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc cố gắng giải ngân và ứng trước vốn như vậy sẽ cung ra một lượng tiền đầu tư công lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Song vấn đề quan trọng hàng đầu là nguồn vốn đó nên đi về đâu?
Mũi tên trúng hai đích
Tại cuộc đối thoại trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cách đây một tháng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bị chất vấn về trách nhiệm giải quyết xi măng đang “khủng hoảng thừa” do quy hoạch. Ông Dũng đã phải thừa nhận: “Hiện nay, tiêu thụ xi măng đang giảm so với thời gian trước, tồn kho cũng nhiều hơn trước” – Bộ trưởng nói. Dự kiến của Bộ năm 2012 lượng tiêu thụ cũng chỉ vào khoảng 55-56 triệu tấn sản phẩm xi măng, bằng 80% công suất thiết kế hiện có. Còn theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến thời điểm 1-6 lượng tồn kho của sản xuất xi măng tăng đến 29,3%. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, khẳng định: “Để giải quyết được hàng tồn kho hiện nay, cần phải có những giải pháp đồng bộ và tích cực của các đơn vị liên quan như thúc đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, giảm giá khuyến mãi hàng tiêu dùng…”.
Vấn đề đặt ra là có thể dùng nguồn vốn “kích cầu” này đầu tư hạ tầng cho nông thôn hay không?
Còn nhớ vào tháng 3-2012, hai Bộ Giao thông Vận tải và Xây dựng đã ký kết Chương trình phối hợp hành động về sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Theo thỏa thuận này ngành giao thông sẽ tiến hành lựa chọn nghiên cứu thí điểm làm đường bê tông xi măng trên mọi loại đường bao gồm cả đường cao tốc, đường nông thôn, nhằm hoàn thiện và rút kinh nghiệm, làm chủ công nghệ thiết kế, thi công khai thác mặt đường bê tông xi măng ở Việt Nam.
Chúng ta đều biết, đường bê tông xi măng có ưu thế vượt trội, tuổi thọ của đường cao hơn hẳn đường bê tông nhựa. Từ những năm 1970, đường vào “thủ đô dự kiến” Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) đã được làm bằng bê tông và sau hơn 30 năm đến nay vẫn tốt. Xây dựng đường bê tông cũng là công nghệ của nhiều nước trên thế giới hiện đang sử dụng.
Vì thế sử dụng vốn kích cầu để xây hạ tầng nông thôn được xem là mũi tên trúng hai đích!
Nên nhanh chóng “sửa sai”
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn nữa các giải pháp của Chính phủ, đặc biệt trong vấn đề xử lý lượng hàng tồn kho cao trong lĩnh vực thép, xi măng. Theo ông Thành, nguyên nhân dẫn đến hàng tồn kho thì có nhiều, song một nguyên nhân lớn là tổng cầu thị trường giảm sút nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải kích cầu đầu tư bằng việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo kế hoạch, cộng với một số vốn bổ sung cho gói hỗ trợ DN. “Thời gian tới, Chính phủ sẽ cố gắng cho phát triển kết cấu hạ tầng dựa vào bê tông, xây dựng đường sá bê tông sử dụng nhiều sắt thép, xi măng, đá – những ngành có chỉ số tồn kho lớn… Tuy nhiên, phải thấy rằng, lượng hàng tồn kho của ngành xi măng, sắt, thép cũng chính là bài học lớn về quy hoạch cho chúng ta, bởi sự phát triển ồ ạt của các ngành này gắn với sự hứng khởi về tăng trưởng, về bất động sản thời gian trước đây” – TS Thành nhận định.
Để thực thi chủ trương này, một khía cạnh khác không thể không xem xét là vốn đầu tư công có đi đúng địa chỉ hay không? Nếu xem lại thời kỳ suy giảm kinh tế năm 2009, Chính phủ từng phải tung ra cả tỷ USD để “kích cầu” thì giải pháp dùng tiền kích cầu để xây dựng đường bê tông thay đường nhựa đã trở thành chủ trương hẳn hoi. Thế nhưng sau 3 năm không có con số nào về số km đường bê tông xây dựng mới từ nguồn kích cầu được công bố (ngoài số liệu về đường liên thôn do dân tự nguyện đóng góp làm). Trong khi đó ngành giao thông chỉ “khoái” đường nhựa, thậm chí có mấy cái mặt cầu bản thép (như cầu Thăng Long, Thanh Trì) cứ chi trăm tỷ rải nhựa xuống, bóc lên như không mà không tính đến giải pháp đổ bê tông?!
Vì thế vốn kích cầu cần đi đúng địa chỉ là hạ tầng nông thôn thì mới đạt hiệu quả mong muốn, chứ không phải lo "cứu" các NHTM hay DNNN đang thua lỗ…